“Bộ Tứ” họp lần 3
Ngày 22/4, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, ông sẽ tiến hành hội nghị trực tuyến vào tuần tới với 3 người đồng cấp Nga, Ukraine và Pháp nhằm duy trì tiến trình hòa bình ở miền Đông Ukraine .
“Tôi đã thảo luận với ba người đồng cấp trong nhóm bốn bên trong những ngày gần đây và tất cả nhận thấy nhiều điểm trong các quyết định, được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh 4 nước Đức, Nga, Ukraine và Pháp tháng 12 năm ngoái ở Paris, vẫn chưa được thực thi” - theo Hãng tin RFERL.
Hãng tin RFERL cũng dẫn lời ông Mass cho rằng, điều quan trọng hiện nay là phải tạo ra một xung lực mới cho những quyết định cũng như việc thực thi các quyết định này.
Truyền thông Đức dù dẫn lời ông Mass song chưa có được thời điểm chính xác và cụ thể sẽ tiến hành hội nghị. “Nó (hội nghị-PV) có thể diễn ra vào tuần tới”.
Trong khi chờ đợi hội nghị diễn ra, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận các vấn đề nóng của quốc tế, trong đó có giải pháp cho cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.
Theo Văn phòng Thủ tướng Đức, trong Tuyên bố chung đưa ra sau cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi và xem xét chi tiết các vấn đề liên quan đến các giải pháp dàn xếp cuộc xung đột nội bộ Ukraine.
“Đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc tuân thủ thỏa thuận Minsk, cũng như các quyết định đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm “Bộ Tứ Normandy” giữa các nhà lãnh đạo Nga, Ukraine, Đức và Pháp vào tháng 12/2019” -Truyền thông Đức nói.
Vào thời điểm đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc đối thoại trực tiếp và tham gia một cuộc họp báo chung ở Paris (Pháp) về quá trình giải quyết xung đột miền Đông Ukraine.
Lãnh đạo của bốn nước đã thống nhất thực hiện các biện pháp tức thời để ổn định tình hình miền Đông Ukraine, tiếp tục trao đổi tù nhân, tạo thêm các khu vực an toàn và các điểm giao cắt mới cho phép dân thường đi qua ranh giới ngăn cách Donetsk và Lugansk với phần còn lại của Ukraine.
Nếu hội nghị tuần tới diễn ra theo đúng dự kiến, sẽ là cuộc họp lần thứ 3 giữa nhóm “bộ Tứ” có quyền và lợi ích tại khu vực miền Đông Ukraine.
Lần đầu tiên hội nghị thượng đỉnh của nhóm “Bộ Tứ” Normandy về tình hình Ukraine được tiến hành là vào năm 2016 tại thủ đô Berlin của Đức mà các cam kết đưa ra chưa được thực hiện đầy đủ.
"Công thức Steinmeier"
Hội nghị tháng 12/2019 đã đạt được một thỏa thuận quan trọng cho tiến trình hòa bình miền Đông Ukraine theo “Công thức Steinmeier”.
Được đặt tên theo cựu Bộ trưởng Ngoại giao Đức, “Công thức Steinmeier” kêu dịch thuật gọi tổ chức bầu cử tại Donetsk và Lugansk nhằm trao quyền tự trị cho khu vực này.
Nhóm các nhà lãnh đạo cũng đồng ý về việc cần thiết phải đưa “Công thức Steinmeier” vào hệ thống pháp chế của Ukraine. Sự đồng thuận về một “Công thức Steinmeier” có cả nhất trí cao của Tổng thống Nga Putin – một người vốn có quan điểm cứng rắn về vấn đề Ukraine, kiên quyết bảo đảm các quyền và lợi ích của Nga trong khu vực.
“Chúng ta cần đảm bảo rằng người dân sẽ không còn phải xếp hàng dài nữa, và có thể dễ dàng vượt qua ranh giới”- Hãng tin Reuters dẫn lời ông Putin cho biết.
“Những thỏa thuận của chúng ta phải nhắm đến mục đích cuối cùng là cải thiện cuộc sống của dân thường ở khu vực này. Không phải trong tương lai, mà là ngay bây giờ.”
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine - ông Zelensky nhấn mạnh các cuộc bầu cử kiểu này phải được thực hiện theo luật pháp của Ukraine và chỉ khi nào lực lượng quân sự nước ngoài rút khỏi Donetsk – Lugansk nó mới diễn ra.
Ba nhà lãnh đạo bao gồm Nga, Đức và Pháp dường như không đồng tình với điều kiện của Zelensky.
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine nói ông tin chắc vấn đề có thể được giải quyết tại các cuộc họp trong tương lai.“Về phần mình, chúng tôi sẵn sàng tuân theo tất cả các thỏa thuận. Nhưng đây là vấn đề có qua có lại”- ông Zelensky khẳng định.
Trong một diễn biến mới trước khi diễn ra hội nghị của nhóm “Bộ Tứ”, các lực lượng Chính phủ Ukraine và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông tại khu vực Luhansk và Donetsk đã tiến hành các cuộc trao đổi 34 tù nhân - cuộc trao đổi tù nhân lần 3 trong vòng 3 tháng giữa hai bên.
Xung đột ở Đông Ukraine xảy ra kể từ năm 2014 cho đến nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét